Tiêu đề của website

Một nắm khi đói...

QĐND - Đã bốn năm liên tiếp, PV Gas là nhà tài trợ chính cho bóng chuyền bãi biển Việt Nam, với số tiền 1 tỷ đồng/năm. Khoản tiền 1 tỷ đồng mà môn này vừa nhận được từ PV Gas, tính ra khó đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của bóng…


QĐND - Đã bốn năm liên tiếp, PV Gas là nhà tài trợ chính cho bóng chuyền bãi biển Việt Nam, với số tiền 1 tỷ đồng/năm. Khoản tiền 1 tỷ đồng mà môn này vừa nhận được từ PV Gas, tính ra khó đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của bóng chuyền bãi biển Việt Nam nhưng lãnh đạo bộ môn này không thể đòi hỏi hơn, bởi một nắm khi đói...

Hơn chục năm trước, nhiều nhãn hàng, thương hiệu xếp hàng chờ dài cổ để được tài trợ cho bóng chuyền bãi biển Việt Nam. Trên bàn làm việc của lãnh đạo Bộ môn Bóng chuyền, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, luôn có đơn của doanh nghiệp xin được tài trợ cho một giải đấu bóng chuyền nào đó, nếu không phải là giải VĐQG thì giải phong trào cũng tốt. Năm 2001, bóng chuyền là môn hiếm hoi mà liên đoàn đã tự chủ hoàn toàn việc tổ chức giải VĐQG rất thành công, có gắn tên với nhà tài trợ, hỗ trợ cho các đội bóng, tiền thưởng cao. Trong đó, đáng chú ý nhất là Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã “câu” được hợp đồng tài trợ kéo dài 5 năm, từ năm 2001 đến 2006 với Lipton Ice Tea trị giá 100.000 USD/năm dành cho bóng chuyền bãi biển. Khi đó, đã xảy ra một cuộc chiến nảy lửa giữa hai thương hiệu Lipton Ice Tea và Nestea để giành quyền tài trợ cho bóng chuyền bãi biển Việt Nam. Không muốn làm mất lòng bên nào, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khi đó quyết: Lipton nắm các giải chuyên nghiệp, còn Nestea bao sân giải phong trào. Dù đã phân chia rõ ràng, nhưng giữa hai thương hiệu này vẫn có những va chạm trong việc tài trợ; thậm chí có giải phong trào do Nestea tổ chức, tìm đỏ mắt không thấy lãnh đạo liên đoàn đến dự, hóa ra lãnh đạo môn này sợ làm… phật ý nhà tài trợ Lipton Ice Tea, khi hiện diện trên khán đài, mà bên cạnh phấp phới thương hiệu của đối thủ.
Bóng chuyền bãi biển Việt Nam nếu phát triển tốt sẽ góp phần quảng bá du lịch biển. Ảnh: DT
Về sau, những chuyên gia làm marketing phía Lipton Ice Tea lẫn Nestea đều không chịu nổi cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Nhận được hợp đồng tài trợ dài hạn, liên đoàn chỉ lo việc tổ chức chuyên môn thuần túy, không có bất kỳ động thái nào tỏ rõ thiện chí với thương hiệu nhà tài trợ theo hướng hai bên cùng có lợi. Cực chẳng đã, có những giải đấu, hai nhà tài trợ trên phải bỏ thêm hàng trăm triệu đồng để quảng bá thương hiệu của mình. Hậu quả của sự hợp tác thiếu chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã khiến cả Lipton Ice Tea lẫn Nestea bỏ của chạy lấy người, chọn cách quảng bá thương hiệu mới. Từ năm 2006, thời điểm Lipton Ice Tea rút lui, thì việc tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, tập huấn của Bộ môn Bóng chuyền bãi biển bắt đầu tụt dốc không phanh. Tệ hơn, nhiều đơn vị sau một vài năm phát triển “nóng” bóng chuyền bãi biển, không còn tiền từ liên đoàn rót xuống (thực chất là tiền của nhà tài trợ), chỉ cho đội bóng hoạt động cầm chừng, thậm chí cho giải tán luôn để nhẹ gánh. Sau khi các nhà tài trợ trà nói lời từ biệt, bóng chuyền bãi biển Việt Nam đã không thể sản sinh ra những VĐV đủ sức giành huy chương ở SEA Games, dù trước đó, có tuyển thủ Việt Nam từng đoạt HCB bóng chuyền bãi biển châu Á. Theo tính toán, để hoạt động tốt và vận hành trơn tru các giải đấu, tập huấn nước ngoài, hướng đến việc giành huy chương ở SEA Games, giải châu Á, thì một năm bóng chuyền bãi biển Việt Nam cần ít nhất 3-4 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu PV Gas rút lui, thì trong tương lai, đơn vị nào sẽ mặn mà tài trợ cho bóng chuyền bãi biển Việt Nam? Số tiền PV Gas tài trợ 1 tỷ đồng/năm chưa phải là nhiều nhưng vào hoàn cảnh hiện tại là cực kỳ đáng quý cho bóng chuyền bãi biển Việt Nam. Và nếu lật ngược lại vấn đề, có thể thẳng thắn đặt câu hỏi: Bóng chuyền Việt Nam đã làm được gì để quảng bá thương hiệu cho nhà tài trợ? DIỆU PHƯƠNG

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều